Web Phụ nữ Việt Nam chia sẻ những điều hay, từ cách làm đẹp, cách nấu ăn, cách bạn pha chế đồ uống….
Theo hồ sơ, Trinh tốt nghiệp ngành học hộ sinh, Trường Trung học Y tế Trà Vinh năm 2015. Trinh hợp tác với ông Lưu Minh Phúc trong việc xin giấy phép hoạt động khám chữa bệnh sản phụ khoa ở quận 12 (TP.HCM). Trinh trả công 8 triệu đồng/tháng để ông Phúc đứng tên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Bị cáo Ngô Thị Lệ Trinh được hưởng án treo. |
Tối 23-1-2019, Trinh đồng ý nên nhận chị L.N.L. đến phòng khám kiểm tra sau khi chị này đưa ra yêu cầu phá thai gấp. Kiểm tra, Trinh thấy chị L. đau bụng, ra máu. Vì vậy, Trinh yêu cầu bệnh nhân chờ tới ngày tái khám ở bệnh viện (trước đó, chị L. có khám thai và nhận lịch tái khám ở một bệnh viện trên địa bàn TP).
Tuy nhiên, chị này không chấp thuận mà muốn ở lại phòng khám để phá thai. Nghe vậy, Trinh chấp nhận. Tối hôm sau, chị L. tiếp tục đau bụng, ra máu. Trinh cho bệnh nhân uống một nửa viên thuốc có tác dụng phá thai. Uống thuốc xong, chị Lệ nằm nghỉ ở phòng khám. Hôm sau, sản phụ không thuyên giảm nên Trinh truyền dịch và giúp bệnh nhân đẩy thai ra ngoài. Một tiếng sau khi lấy thai nhi ra ngoài, bệnh nhân có nhiều triệu chứng bất thường (khó thở, nôn…) nên Trinh đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Đáng tiếc, chị L. không qua khỏi. Cơ quan chức năng xác định nạn nhân tử vong do băng huyết.
TAND quận 12 xử sơ thẩm đã phạt Trinh 1 năm 6 tháng tù giam về tội "Phá thai trái phép". Sau đó, Trinh kháng cáo xin hưởng án treo.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày bị cáo mong tòa án xem xét giảm án để bị cáo có cơ hội bồi thường thiệt hại.
Theo HĐXX phúc thẩm, bị cáo không có trình độ chuyên môn, không được phép hành nghề khám sản phụ khoa. Vì mục đích lợi nhuận nên bị cáo cố tình mở phòng khám, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo có bồi thường thiệt hại; gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Căn cứ những lẽ trên, cấp phúc thẩm quyết định giảm nhẹ hình phạt.